Cái duyên không hẹn trước với nước Anh

(Bài cô Sam viết năm 2015 cho cuộc thi UK Trong Mắt Tôi, chia sẻ lại ở đây với các bạn quan tâm đến du học Anh)

Ngày mùng 10 tháng 9 vừa rồi đánh dấu năm năm tròn tôi ở Anh, đất nước mà trước đó tôi đã không hề dự định mình sẽ đến. Cũng như hầu hết học sinh Ams, tôi học TOEFL, SAT – những kì thi cho các trường đại học ở Mỹ với những gói trợ cấp tài chính toàn phần. Tôi đã luôn nghĩ rằng nước Anh không có cơ hội cho mình bởi vì không ai nói đến học bổng toàn phần đi Anh. Tôi đã tự trả cho các kì thi và chi phí nộp hồ sơ du học với tiền làm gia sư; nhưng chi phí du học dù chỉ là một phần tôi hay gia đình đều không có khả năng. Cho đến khi một người bạn Anh mà tôi gặp khi phiên dịch cho kì thi Lý quốc tế diễn ra ở Việt Nam hè năm 2008 đã tìm ra và chứng minh cho tôi nước Anh có học bổng toàn phần. Tôi nộp hồ sơ và được học bổng bao gồm chi phí học, ăn ở, chi tiêu cá nhân và vé máy bay khứ hồi cho ba năm đại học ở London sau hai năm cố gắng.

Ba năm đầu tôi ở khu nhà cho sinh viên quốc tế ở trung tâm London giữa tàu điện ngầm Baker Street và công viên Regent’s Park, nơi tôi gặp bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Trong năm năm, tôi đã ở cùng phòng và cùng nhà với sinh viên đến từ Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam, Anh, Nepal, New Zealand, Hy Lạp, Đức, Ba Lan, Đan Mạch. Những khác biệt về lối sống có dẫn đến một vài xích mích nhưng dạy cho chúng tôi cách sống chung với những con người đến từ các nền văn hóa khác. Con người ở London đến từ khắp đất nước và châu lục trên thế giới nên tôi có cơ hội được trực tiếp nghe các ngôn ngữ và chạm nếm các loại ẩm thực khác nhau.

Vốn quen với các đường xá to lớn của Mỹ trên phim ảnh, tôi đã khá thích thú khi nhận ra đường phố ở Anh nhỏ nhắn, xinh xắn và gần gũi hơn. Hai tháng đầu ở London đủ ấm áp và tôi hào hứng làm quen với môi trường mới. Nhưng mùa đông đầu tiên tôi đã khá buồn khi không quen với việc sáng dậy trời vẫn hơi tối, có ánh sáng được vài tiếng, đến tầm ba bốn giờ chiều trời lại nhá nhem tối. Hơn nữa, trong mấy tháng mùa đông, tôi lại chuyển đi ở kí túc xá của khoa tôi học ở Harrow – phía Bắc London là khu dân cư vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như trung tâm London vì nghĩ sẽ thuận tiện hơn cho việc học.

1-1146-1444006186

Thành phố biển Portsmouth

Nghịch tuyết lần đầu hơn nửa tiếng, ủng ướt sũng, tôi ốm ngay hôm sau. Nhờ thế mà tôi được biết đến sự quan tâm và chăm sóc ân cần của các bác sĩ trong trường. Cô cố vấn sinh viên của trường giúp tôi vượt qua nỗi buồn mùa đông u ám và chuyện buồn của gia đình ở Việt Nam. Hội sinh viên của trường (Student Union), thuộc hội sinh viên toàn quốc (National Union of Students) hoạt động độc lập dù có trụ sở trong mỗi trường đại học ở Anh, đã giúp tôi rất nhiệt tình khi có khó khăn với khóa học.

Mỗi học sinh đến Anh đều có giấy mời đăng kí khám chữa bệnh miễn phí ở trạm y tế (GP) khu vực thuộc Dịch vụ sức khỏe toàn quốc (National Health Service) của Anh. Các dịch vụ khám sức khỏe giới tính và sinh sản cũng đều miễn phí và có ở khắp các địa phương ở Anh. Đây là một trong những điều khiến tôi thấy mình được chăm sóc và cảm thấy an toàn khi sống ở đây. Tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè quốc tế rằng theo trải nghiệm du lịch và quan sát của tôi thì ‘Một đất nước chỉ có hoặc đồ ăn ngon, hoặc một xã hội quy củ’. Nước Anh nằm ở vế thứ hai! Tuy vậy ở London có cả một con phố Kingsland Road với các hàng ăn Việt Nam và một tiệm bán xe máy, cảm giác cứ như ở nhà!

Mùa đông ở London thật ra cũng không quá lạnh so với mùa đông ở Hà Nội. Trong năm năm vừa qua, chỉ có hai năm London có tuyết! Mà cũng nhờ chút lạnh đó mà mùa hè ở Anh không quá nóng và là dịp tôi cũng như mọi người đi sưởi nắng trên các bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng ở các công viên sạch đẹp ở đây. Mùa hè đầu tiên tôi dạy tiếng Việt cho một giáo sư làm nghiên cứu về Việt Nam ở Cambridge, tôi đã yêu thành phố này với mê cung các tòa lâu đài cổ hàng trăm năm tuổi mà tôi đã được làm việc và ở cùng bạn bè ở đây. Tôi đã từng nghĩ nếu được lựa chọn, mình sẽ lập gia đình ở Cambridge!

5-4914-1444006187

Lâu đài cổ ở Warwick

Vương Quốc Anh còn có xứ Wales và Bắc Ai-len với thủ đô Cardiff và Belfast xanh mát, thanh bình, với tòa lâu đài cổ trên đỉnh đồi Belfast nhìn xuống bến cảng nơi tàu Titanic ra đời. Tôi nằm thư giãn trên bãi cỏ ở đỉnh đồi đó hè năm 2013 và nhận ra có lẽ mình đã chạy theo cuộc sống nhanh và vội vã ở London mà quên đi những giây phút thả mình vào thiên nhiên thế này! Từ mùa hè đó cho đến bây giờ, ngày nào tôi cũng tập yoga và thiền ở các khu vườn hay công viên gần nơi tôi ở.

4-8324-1444006187

Tập yoga ở công viên Wimbledon, London

Mùa hè năm nay cuối cùng tôi cũng đã đi Scotland trên phía bắc nước Anh, dự định từ vài năm trước. Từ thành phố Glasgow – với những con người thân thiện đến mức họ sẽ xách vali trong bến tàu giúp bạn trước khi bạn hỏi, một tiếng đi xe là đến khu hồ Loch Lomond với các đồi núi xanh mượt uốn lượn trải dài nối tiếp nhau – những đường cong tuyệt đẹp của thiên nhiên! Tôi cùng hai người bạn đã đi bộ lên đỉnh một ngọn đồi dưới cái nắng hiếm hoi của Scotland. Sau đó tôi đến Edinburgh, thủ đô của Scotland trong dịp lễ hội Fringe, nơi quy tụ các nghệ sĩ múa, hát, nhạc, kịch, hài từ khắp nơi trên thế giới. Bốn ngày sống trong không khí lễ hội giữa các tòa nhà từ thời kì trung cổ, nơi J.K. Rowling đã bắt đầu viết bộ truyện Harry Potter, với không gian xanh và các đỉnh núi ngay trong thành phố, tôi lại nghĩ mình muốn sống và làm việc ở đây. Có lẽ cảm xúc sẽ khác vào mùa đông và những ngày mưa tuyết lạnh lẽo, tôi thầm nghĩ.

2-1228-1444006187

Đi bộ lên một trong những đỉnh đồi ở Loch Lomond, Scotland

London và nước Anh còn là điểm đưa tôi đến các thành phố khác ở châu Âu chỉ với  hai tiếng bay với các hãng hàng không giả rẻ. Mỗi mùa hè tôi dành ra trên dưới một tháng để đi du lịch bằng đường tàu và đi bộ dọc các con phố của  châu Âu. Chuyến tình nguyện cho Dalai Lama ở Thụy Sĩ, khóa học hè ở Đan Mạch hay khóa tập thiền và trồng rau sạch ở thiền viện của thầy Thích Nhất Hạnh ở miền Nam nước Pháp đều là những mốc quan trọng trong cuộc đời tôi.

3-4501-1444006187

Thủ đô Cardiff – xứ Wales

Năm vừa qua tôi còn có một cơ hội khá thú vị là dạy tiếng Việt cho cán bộ quân sự tại trường Quốc Phòng của Anh trước khi anh và vợ sang làm việc ở Đại Sự Quán  Anh tại Việt Nam. Khi đi làm và đóng thuế hàng tháng bao gồm một khoản cho dịch vụ y tế, tôi hiểu rằng một nước mạnh không phải là một nước giàu mà là nơi mà khoảng cách giàu – nghèo được thu nhỏ bởi những phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người, nhờ những chính sách công như thế này.

Như thế là, từ không bao giờ nghĩ đến – đến ba năm rồi bây giờ đã là năm năm, cái duyên không hẹn trước của tôi với nước Anh cứ kéo dài thêm. Tôi đã hoàn thành xong khóa học năm ngoái với luận án về ‘Sự thực tập thiền và việc sử dụng truyền thông’. Năm năm chưa về Việt Nam, liệu tôi sẽ tiếp tục ở lại làm việc ở nước Anh hay không – tôi sẽ xem cái duyên đưa mình đến đâu và chọn lựa.

Published by breathing playing

mindfulness & yoga, food & health, cultures & travels

Leave a comment