Hướng Nghiệp (phần 1) ~ Trắc nghiệm Nhóm nghề Phù hợp & Ảnh hưởng của cha mẹ

(bài chia sẻ khi Sam học tư vấn hướng nghiệp, 2020)

Từ khi biết đến các nhóm Holland, khi đi dạy mình quan sát học sinh và thấy với các em cấp một – lớp 5, 6 mà mình dạy, các em thể hiện đặc tính cá nhân thuộc các đặc điểm nghề trong 6 nhóm này Rất rõ! Các em cấp hai, cấp ba thì bắt đầu thu mình và thể hiện ít hơn, có thể do ảnh hưởng của trường học – bố mẹ – bạn bè v.v. nên có thêm đặc điểm của các nhóm nghề khác nên khó nhìn thấy ngay. Mình thấy chương trình học cấp ba cũng bắt đầu xa vời với thực tế, có lẽ nên có các chương trình khám phá bản thân và hướng nghiệp từ cấp hai để những ai không cần, muốn hay có khả năng học nhiều có thể bắt đầu theo học nghề – không phải xã hội vẫn hay thừa thầy, thiếu thợ sao?

Hai lần làm trắc nghiệm Holland gần đây (một lần giấy, một lần online trên trang Sông An) thì mình đều có 3 nhóm cao nhất là: Nghiên cứu – Xã hội (cách nhau mỗi lần 1-2 điểm) và Nghệ thuật. Ở lần làm trên giấy lần đầu, nhóm cao thứ 4 của mình là nhóm Kỹ Thuật – mình ngẫm lại thấy hồi bé, cấp 1 và đầu cấp 2 thì mình có thích thú và có khả năng với nhóm này khi mẹ định hướng học nhiều Toán, quan sát các cô gội đầu để làm mái rối cho mẹ hay quan sát bố sửa chữa đồ điện và sau đó tự sửa hộp số quạt, cặp tóc cho mẹ, thích môn xếp hình đồ chơi từ mẫu giáo và môn lắp ráp kỹ thuật hồi cấp 1.

Từ cấp 2 khi vào lớp chuyên Anh thì mình bắt đầu chuyển qua học Anh và Văn nhiều hơn, được truyền cảm hứng bởi cô giáo dạy Văn và những tác phẩm văn học, truyện hay hơn thì mình lại phát triển mạnh hơn về bên xã hội. Bên cạnh việc biểu diễn hát ở trường từ cấp 1, những năm gap years sau khi bảo lưu đại học ở Việt Nam (vì thấy không thích/ hợp với ngành Kinh Doanh theo định hướng của mẹ và để xin học bổng đi du học) và khi đi du học ở Anh, mình đã học nhiều loại nhảy múa khác nhau, yoga, chụp ảnh, làm phim, và phát triển mạnh hơn những khả năng và sở thích với nhóm Nghệ Thuật.

Tuy vậy, có lẽ do mẹ không khuyến khích theo nghệ thuật từ bé nên mình cũng đã thấy rất hoang mang khi theo học một ngành khá nghệ thuật ở đại học. Mình ở Anh những năm 2010-2015 khi họ gần như khép lại cơ hội việc làm với sinh viên quốc tế nên mình đã không nộp được việc toàn thời gian bên đó ngoài những công việc thực tập với các tổ chức phi chính phủ về văn hóa, nghệ thuật, làm thêm trợ lý nghiên cứu cho giáo sư, dạy tiếng Việt. Mình đã muốn học và nộp ngành Nhân Học – nghiên cứu về con người, nhưng do hạn chế của học bổng khi đó, mình đã chưa được học ngành này.

Quan sát lại các công việc mình đã làm 5 năm qua từ khi về lại Việt Nam, mình thấy việc dạy học là việc mình có yêu thích và được trân trọng do mình hợp với trẻ con, người trẻ và tâm huyết với việc phát triển cá nhân, con người, truyền cảm hứng học cho các em. Bên cạnh đó thì mình vẫn thấy rất rõ ham muốn học, đọc, tìm hiểu, đào sâu với nhiều chủ đề sức khỏe thân – tâm, khoa học cuộc sống – thuộc nhóm Nghiên Cứu. Vì vậy mình tiếp tục nghiên cứu về giáo dục – chặng đường phát triển cá nhân, học hành, công việc của người trẻ Việt Nam. Mình đã có khoảng 20 cuộc nói chuyện sâu với các bạn trẻ trong các lĩnh vực khác nhau và đang up dần trên radio lắng & nghe. Tố chất nhóm kỹ thuật của mình có dùng trong việc làm phim, học và thực hành dinh dưỡng, nhảy múa – như những sở thích và thực hành cá nhân, độc lập – sẽ chia sẻ qua các bài viết.

~

Mình chưa đưa bố mẹ làm trắc nghiệm Holland mà với hơn 20 năm sống cùng bố mẹ và 10 năm vừa qua quan sát bố mẹ sâu hơn thì mình thấy bố hợp: kĩ thuật – bán hàng – nghệ thuật (đầu bếp, làm phim, thời trang, diễn viên/ người mẫu), mẹ – nghiên cứu, giảng dạy (sinh – hóa – dinh dưỡng)…Rõ ràng là mẹ thắng thế trong việc định hướng việc học và ảnh hưởng đến mình nhiều hơn, tuy vậy khi được tự do thì mình lại cân bằng lại với những ảnh hưởng của bố về phía kỹ – nghệ thuật. Nếu họ được định hướng nghề nghiệp và có các cơ hội công việc đa dạng hơn như giờ thì có lẽ họ đã không yêu nhau mà gặp người phù hợp hơn? Cặp đôi phù hợp nên thuộc những nhóm nghề gần nhau để có thể đồng cảm, thấu hiểu và tôn trọng nhau tốt hơn? Bố mẹ có các nhóm tính cách và kĩ năng khá trái ngược nhau (có thể thấy trong mô hình mật mã Holland) có thể góp phần ảnh hưởng lên con cái có nhiều nhóm sở thích và điểm mạnh, thiếu tập trung hơn so với ảnh hưởng của ba mẹ có những nhóm Holland gần nhau hơn?

~


Mọi người có thể vào trang của Hướng Nghiệp Sông An làm trắc nghiệm thử xem mình đã/ đang làm việc thuộc đúng đúng nhóm nghề phù hợp với tính cách của mình không nhé. Mình sẽ chia sẻ thêm về những công cụ tiếp theo ở những bài viết sau.

Published by breathing playing

mindfulness & yoga, food & health, cultures & travels

Leave a comment