Làm thế nào để dạy con trân trọng các giá trị dân tộc?

Truyền thống của một dân tộc là những thực hành về văn hóa – lễ tết, lối sống, ẩm thực, trang phục… được lưu truyền từ đời này sang đời khác với những thay đổi theo từng thời kì để phù hợp với thời đại hay do các ảnh hưởng, giao thoa với những nền văn hóa khác. Trong thời kì toàn cầu hóa với sự phát triển của mạng xã hội, giới trẻ có thị hiếu mới hơn về âm nhạc, trang phục, lối sống hiện đại… do ảnh hưởng chính từ văn hóa trẻ của phương Tây.

Giới trẻ với những thay đổi của thời đại cần được cha mẹ hiểu và tôn trọng. Đồng thời, việc gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ giúp các con biết đến gốc rễ văn hóa của mình và không cảm thấy lạc lõng, đặc biệt khi đi du học ở nước ngoài. Bài viết này đưa ra một số hoạt động cụ thể để cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu và gìn giữ một số truyền thống của Việt Nam.

1. Chấp nhận và cảm thông cho sự khác biệt thế hệ

Văn hóa Việt Nam vẫn còn đề cao việc người trẻ phải nghe theo lời người lớn tuổi hơn, tuy vậy những điều cha mẹ nghĩ là đúng có thể không còn đúng ở thế hệ con mình. Thế hệ cha mẹ có lẽ cũng đã trải qua những giai đoạn bất đồng quan điểm với cha mẹ của mình và cảm thấy không kết nối với thế hệ đi trước. Với sự giao thoa với văn hóa dân chủ của phương Tây, giới trẻ thời nay thoải mái hơn trong việc bộc lộ ý kiến cá nhân và muốn được tôn trọng.

Cha mẹ có thể cho con xem ảnh và qua đó kể lại những câu chuyện của thế hệ tổ tiên, ông bà, bố mẹ để con cái hiểu hơn tại sao thế hệ trước lại có những suy nghĩ và lối sống khác mình – có thể do hoàn cảnh chiến tranh, nghèo đói, v.v. Đồng thời, cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi nhẹ nhàng với một sự quan tâm thật sự vì sao thế hệ của con lại có một số suy nghĩ, hành động, lối sống mà có thể cha mẹ chưa đồng cảm được.

Từ đó hai thế hệ có thể hiểu và cảm thông với sự khác biệt của nhau hơn và cùng tìm hiểu và thực hành một số truyền thống dân tộc vẫn còn giá trị trong thời hiện đại.

2. Cùng con tìm hiểu và thực hành một số truyền thống của dân tộc

Ẩm thực và y học cổ truyền

Với sự du nhập của một số cửa hàng ăn nhanh theo phong cách phương Tây hay vì nhịp sống hiện đại bận rộn, bữa cơm nấu tại nhà ít đi, con cái có thể không còn biết nấu một số món ăn dân tộc. Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, phong phú, cộng thêm sự giao thoa những nền ẩm thực lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… tạo nên những món ăn cân bằng về dinh dưỡng và khẩu vị như bánh mì, nem cuốn, các món phở hay bún thang, bánh xèo, mỳ quảng v.v. – đây là điều các con có thể trân trọng ở dân tộc mình.

Cha mẹ và con có thể cùng nhau đi ăn những món ăn truyền thống của vùng miền ở nơi mình ở hay khi đi thăm quan, du lịch ở một nơi mới và cùng nhau nấu lại món ăn đó vào dịp cuối tuần hay khi có thời gian – đây cũng là một hoạt động giúp gắn kết tình cảm gia đình với thành phẩm là một bữa ăn mà cả nhà có thể cùng thưởng thức.

Cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu về các bài thuốc dân gian tác dụng cho sức khỏe từ ngay trong nguyên liệu của những món ăn hàng ngày như gừng làm ấm bụng, nghệ chữa lành sẹo, tỏi có tác dụng kháng sinh tự nhiên…Tắm nước lá mùi già, gội đầu với bồ kết trong dịp Tết không chỉ là một nét truyền thống đẹp mà còn có lợi cho sức khỏe có thể được thực hành ngay tại nhà.

Trang phục

Trang phục truyền thống cũng là một trong những yếu tố quan trọng của một quốc gia. Chính vì thế, cha mẹ hãy giúp con hiểu được lịch sử và nét đẹp cốt lõi của những bộ trang phục truyền thống như áo dài, áo yếm, áo tứ thân, áo bà ba… Hãy cho con may một trang phục mà con yêu thích cho những dịp lễ kỉ niệm hay trước khi đi du học để con có thể giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc với bạn bè quốc tế.

Trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống

Khu phố đi bộ vào cuối tuần ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có các trò chơi dân gian mà cha mẹ và con có thể cùng nhau thư giãn vui vẻ. Cha mẹ cũng có thể cùng con đi thăm các làng nghề thủ công, truyền thống ở quanh khu vực mình ở như làng gốm sứ, làng hoa, làng cốm, bánh tráng v.v. Thế hệ trẻ biết đến và trân trọng các làng nghề truyền thống và có thể muốn phát huy trong tương lai cũng là một nhân tố quan trọng để giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể của dân tộc.

Việc tìm hiểu và thực hành văn hoá dân tộc không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là một quá trình dài hơi và cần được củng cố qua nhiều thế hệ. Chỉ cần bắt đầu với những hành động thật nhỏ như trên là chúng ta đã góp phần gìn giữ và lưu truyền các giá trị dân tộc qua thời gian.

Bài cô Sam viết cho RMIT & Cha Mẹ

Published by breathing playing

mindfulness & yoga, food & health, cultures & travels

Leave a comment