Bài tập thở và lắng nghe để cha mẹ và con hiểu nhau hơn

Cha mẹ nào cũng muốn lắng nghe những chia sẻ của con, muốn ở bên hỗ trợ khi con yếu đuối và tổn thương. Nhưng cũng rất nhiều cha mẹ chưa biết phải làm thế nào để làm bạn với con tốt hơn. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn hai bài tập quan sát hơi thở, cơ thể và lắng nghe đơn giản để cha mẹ và con cái cùng thực tập hàng ngày, từ đó có thể lắng nghe tâm sự của nhau một cách bình tĩnh và với nhiều thương yêu hơn.

Bài tập 1: Quan sát hơi thở và lắng nghe bản thân

Hãy tìm cho mình một không gian riêng như ban công ở cơ quan, công viên, hồ gần nhà hay một không gian trong nhà để bạn có thể ngồi hay nằm xuống quan sát hơi thở và cảm nhận cơ thể của mình. Bạn có thể nhắm mắt, đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng để cảm nhận nhịp đập của tim và sự phồng lên xẹp xuống của bụng khi thở. Cảm nhận hơi thở đi vào qua hai mũi, họng và quan sát xem hơi thở có đi tiếp xuống phổi hay bụng không.

Tiếp tục quan sát hơi thở và không cố gắng để thay đổi, chỉ quan sát và cảm nhận, dần dần, bạn sẽ nhận thấy hơi thở chậm lại. Như khi con còn bé và khóc, chỉ cần cha mẹ đến ôm ấp và vỗ về, em bé sẽ từ từ bình tĩnh lại. Hãy cảm nhận và gửi sự quan tâm và yêu thương đến cơ thể và hơi thở của chính mình như khi bạn từng ôm ấp con. Trước khi có thể lắng nghe và yêu thương con, hãy lắng nghe và yêu thương chính mình.

Sau khi hơi thở đã chậm lại và cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể tiếp tục ngồi hay nằm thư giãn và nhớ lại khi còn trẻ, bạn đã có những khó khăn gì với bố mẹ của chính mình? Bản thân mỗi người cha hay mẹ đều đã trải qua tuổi mới lớn và có ít nhiều những mâu thuẫn với cha mẹ của mình khi còn trẻ. Có những khi nào bố mẹ đã không lắng nghe và hiểu bạn, có khi nào bố mẹ đã bắt ép bạn làm theo những lựa chọn mà bạn không thực sự muốn, có những tổn thương nào từ khi bạn còn bé mà giờ vẫn còn trong tâm hay thân bạn.

Rồi quay lại hiện tại và tự hỏi bản thân xem bạn có đang lặp lại một hay nhiều điều với con mà bố mẹ đã từng làm với bạn hay không? Có thể bố mẹ của bạn đã từng bận rộn, không có thời gian hay không hiểu được những suy nghĩ và lối sống của thế hệ của bạn và có thể điều này lại đang lặp lại giữa bạn và thế hệ con của bạn? Bạn đang có những tổn thương nào ở hiện tại với bản thân, trong công việc, mối quan hệ vợ chồng, gia đình mà có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và cách bạn đối xử với con?

Luyện bài tập thở này thường xuyên sẽ giúp bạn bình tâm lại để quan sát bản thân cũng như con mình với con mắt bao dung hơn. Từ đó, giúp bạn sẵn sàng bước vào bài tập thứ hai để dần dần cải thiện mối quan hệ với con.

Bài tập 2: Cha mẹ và con cái lắng nghe chia sẻ của nhau

Bên cạnh bài tập quan sát hơi thở và lắng nghe bản thân mà bạn có thể thực tập thường xuyên, bạn có thể hẹn con một buổi ở một không gian riêng mà bạn thấy thư giãn và thực tập bài tập lắng nghe hàng tuần. Có thể chuẩn bị hai cốc nước ấm hay trà thảo mộc để con và bạn có thể uống khi tâm sự với nhau. Bạn có thể gửi hay in bài viết này cho con để con có thể tự thực tập quan sát và lắng nghe cơ thể và hơi thở của mình và hiểu cấu trúc của bài thực tập lắng nghe và chia sẻ trước buổi hẹn.

Ở mỗi bước, khi một người nói, người kia sẽ thực tập chỉ lắng nghe với toàn bộ thân tâm của mình mà không phán xét, phản ứng hay ngắt lời. Khi một người nói xong có thể chạm vào tay người kia để báo hiệu mình đã nói xong.

Bước một ~ “Tưới tẩm hạt giống tốt trong nhau”: cha mẹ và con chia sẻ về những điểm tốt của người kia mà mình trân trọng và biết ơn – cha mẹ có thể bắt đầu nói về những điểm tốt mà mình thấy ở con trước nếu con chưa thể bắt đầu.

Bước hai ~ “Xin lỗi”: cha mẹ và con lần lượt xin lỗi nhau về những điều mà mình làm mà đã có thể gây tổn thương cho người kia.

Bước ba ~ Xác nhận lại thông tin, Chia sẻ và Lắng nghe: cha mẹ và con lần lượt xác nhận lại thông tin xem mình có hiểu nhầm gì cha mẹ/ con không, sau đó chia sẻ những tổn thương mà mình có thể có, và lắng nghe người kia với cả thân và tâm của mình mà không ngắt lời, phản ứng hay phán xét.

Có thể kết thúc buổi thực tập lắng nghe và chia sẻ bằng một cái ôm gần và đủ lâu để cảm nhận được hơi ấm và tình cảm mà cha mẹ và con cái có cho nhau. Có thể không dễ dàng để cha mẹ và con hiểu được ngay tâm tư, tình cảm của nhau. Tuy vậy, dừng lại, quan sát, cảm nhận hơi thở và cơ thể của chính mình để rồi bình tâm lắng nghe, chia sẻ những điều tốt đẹp cũng như tổn thương với nhau là những bài tập đơn giản cha mẹ và con có thể thực tập thường xuyên để yêu thương nhau hơn.

Bài viết chia sẻ thực tập “Làm mới” của Làng Mai

Radio làm mới mối quan hệ như thế nào

(Bài Sam viết cho RMIT & Cha Mẹ)

Published by breathing playing

mindfulness & yoga, food & health, cultures & travels

Leave a comment