Thích ứng thân ~ tâm ~ trí thế nào với mỗi đợt (giãn cách) Covid

Thích ứng thân ~ tâm ~ trí thế nào với mỗi đợt (giãn cách) Covid

 “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” ~ Mùa lạc, Nguyễn Khải

Sau hai năm covid với các thể loại, màu sắc, phong cách khẩu trang, nước rửa tay, test, F0-9…thì chắc nhiều người đã phải bước qua một vài ranh giới một vài lần. Bài này mình viết trong đợt giãn cách mấy tháng trước, giờ mới có dịp để chia sẻ ở đây. Hi vọng nó vẫn có ích cho bây giờ và sau này khi chúng ta cùng nhau đi qua không chỉ covid mà cả những giai đoạn khó khăn khác trong cuộc sống. Chủng covid mới viết tắt là Om giống tiếng niệm chú Om trong yoga, hy vọng đây là âm hưởng tích cực cho mối quan hệ của con người và covid trong thời gian sắp tới.

Việt Nam đang thực hiện giãn cách ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Nếu đối diện với những lần giãn cách đầu tiên là cảm giác hoang mang, loay hoay để thích nghi, thì những lần gần đây là cảm giác chấp nhận một cách chán nản, cùng những lo lắng mới về chủng mới, vaccine. Với thực tập thiền và lối sống cân bằng trong khoảng mười năm, trong bài viết này mình chia sẻ những gợi ý chăm sóc sức khỏe thân – tâm – trí cho bản thân và người thân để chúng ta có thể cùng nhau đi qua những giai đoạn khó khăn này một cách bình an hơn.

1. Trí: Chọn lọc thông tin & Tư duy tích cực

Nếu như mỗi lần thay đổi thời tiết, chỗ ở, nơi làm việc, chúng ta có thể có những phản ứng và cần thời gian để thích ứng thì với mỗi lần bùng phát Covid cũng vậy, hãy cho thân-tâm-trí mình thời gian để thích ứng, chuẩn bị tinh thần cho những hoang mang, buồn bực, chán nản có thể đã từng xảy ra với những khó khăn khác trước đây. Hãy chào những cảm xúc này quay lại như những người bạn cũ. Trong đại dịch toàn cầu này, không chỉ mình chúng ta có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực ~ nhận thức về thực tế này có thể giúp chúng ta thấy đỡ cô đơn hơn trong cơn bão này. Việc quan sát, biết nó ở đó, chấp nhận rồi ôm ấp, vỗ về những cảm xúc này như khi chúng ta dỗ dành một em bé đang khóc có thể giúp chúng ta thấy nhẹ nhõm hơn, thay vì cảm thấy tiêu cực về…việc mình thấy tiêu cực. Hãy kiên nhẫn với bản thân và người thân trong thời gian đầu thích nghi, làm quen những bình thường mới với 5K: Khoảng cách – Khẩu trang – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế.

Là người thực hành digital detox – dùng internet có chọn lọc, mình không theo dõi tất cả những gì đang diễn ra trên báo hay mạng xã hội. Tuy vậy, với mỗi đợt covid, mình cũng thấy cần biết đang có những ca mới ở khu vực nào từ Bộ Y Tế để phòng tránh cho bản thân và người thân. Mình thấy không nhất thiết phải cập nhật bao nhiêu ca tăng lên mỗi ngày nếu việc đó làm bạn cảm thấy căng thẳng. Khi có những băn khoăn nhất định, mình hỏi bạn bè có chuyên môn về sức khỏe, y tế và chỉ đọc một số ít bài viết trên Facebook bởi những người là chuyên gia trong ngành để tránh hoang mang không cần thiết. 

Hãy kiên nhẫn khi bạn đang ngồi trong bóng tối. Bình minh đang đến ~ Rumi

Covid là đại dịch toàn cầu – mỗi chúng ta sẽ chưa hoàn toàn an toàn khi chưa đủ miễn dịch cộng đồng trong nước và quốc tế khi một đất nước mở cửa biên giới. Tất cả chúng ta đều ở trong đại dịch này cùng nhau. Bởi vậy, hãy tin tưởng và kiểm chứng thông tin với các kênh thông tin chính thức của một đội ngũ y tế lâu năm về cách chăm sóc sức khỏe, ăn uống trong mùa dịch, vaccine và những điều cần chú ý về tác dụng phụ và bệnh nền: Bộ Y Tế – báo Sức Khỏe & Đời Sống, các trang mạng của các bệnh viện lớn và chính thống, một số kênh thông tin của hệ thống y tế nước ngoài như National Health Service của Anh. Để di động ra xa khỏi giường hay tầm với của tay, tắt thông báo của các ứng dụng cũng là cách để dùng mạng một cách chủ động hơn. Chọn đọc và chia sẻ những thông tin tích cực về người tốt, việc tốt trong giai đoạn này cũng giúp chúng ta cùng nhau lan tỏa năng lượng tốt hơn cho mình và những người xung quanh.

Tiếp đến, bạn có thể nhìn vào việc phải ở nhà khi giãn cách từ một hướng khác tươi sáng hơn ~ như một đứa trẻ đôi khi giả vờ ốm để được nghỉ học ở nhà ăn chơi nhảy múa. Giãn cách cũng có thể được coi như một cơ hội để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, để kết nối nhiều hơn với chính mình và người thân sau nhiều ngày tháng làm việc bận rộn và liên tục. Sáng ra mình bắt đầu nghe thấy nhiều tiếng chim hơn thay vì tiếng công trình xây dựng, các nhóm thiền buổi sáng giúp mình kết nối với mọi người từ mọi nơi và là động lực thức dậy mỗi sáng, khi đi bộ đi mua đồ nấu ăn đường phố có vẻ buồn hơn nhưng cũng đồng thời ít bụi và ô nhiễm hơn. Có những kỹ năng, khóa học, cuốn sách nào mà bạn đã muốn học và đọc từ lâu mà chưa có thời gian thì đây là thời điểm vàng để làm điều đó. Bạn có thể học các khóa học online miễn phí trên Coursera, Edx, Udemy…,tham khảo đầu sách trên Goodreads, các nhóm đọc trên Facebook. Hãy hi vọng những điều tốt đẹp nhất và chuẩn bị tinh thần cho những điều tồi tệ nhất. Có thể chúng ta sẽ còn phải giãn cách lâu hơn nữa ~ hãy chuẩn bị tinh thần cho điều này và chăm sóc sức khỏe thân ~ tâm ~ trí của mình hàng ngày với những gợi ý tiếp theo nhé.

2. Thân: Duy trì thói quen tập ở nhà thế nào

Không gian sống gọn gàng hơn có giúp tâm trí bạn thư thái hơn. Bạn có thể dọn lại nhà theo phong cách tối giản của Marie Kondo: chỉ giữ những gì bạn thật sự dùng và khiến bạn thấy vui, trao tặng những thứ còn lại với lòng biết ơn. Bạn có thể tái tạo lại nơi ở thành nơi nghỉ dưỡng và làm việc tại nhà một cách thích thú và thư giãn hơn: trồng thêm cây trong phòng làm việc, giăng thêm đèn trang trí (nên tắt khi đi ngủ vì có thể chập cháy), bật xông hơi tinh dầu oải hương thư giãn, chanh sả đuổi muỗi…Tạo không gian tập ở nhà bằng cách trải thảm tập ra sẵn một góc, mua thêm bóng aerobic, tạ nhỏ và một số dụng cụ tập ở nhà nếu cần. 

Nếu như bạn đã có một thời gian tập ở phòng gym, yoga studio với thẻ thành viên và quen với việc có năng lượng tập thể đó, bạn có thể rủ  bạn cùng nhà, người yêu, vợ chồng, con cái hoặc bạn bè cùng nhau tập vào những ngày giờ nhất định qua mạng để có thêm kỷ luật. Bạn có thể theo dõi người dạy phù hợp, truyền cảm hứng, đánh dấu trang Youtube trên thanh công cụ, để app tập ở trang chính của điện thoại, bật nhắc hẹn, để sẵn quần áo tập trên thảm tập ở nơi dễ nhìn thấy để nhắc mình tập hàng ngày hay cách ngày. Strava là một ứng dụng xã hội để kết nối với bạn bè và những người đi bộ, chạy, tập khác để tăng động lực và chia sẻ những thành quả tập luyện của mình với những người khác.

Bạn cần thực tập thường xuyên để có thể cân bằng

Có một tip tạo thói quen là bạn nên bắt đầu tập trong thời gian ngắn 10 – 20 – 30 phút rồi tăng dần, nên tập vào buổi sáng để không bị “lầy” khi cuốn vào công việc sau đó và tạo khí thế cho ngày mới. Nếu đã có một bài tập quen, bạn có thể bật playlist nhạc yêu thích hay nghe bài giảng về phật giáo khi tập yoga như mình để đỡ thấy nhàm chán. Đi cầu thang bộ, đi bộ khi mua đồ dùng thiết yếu ở gần nhà cũng là một cách đơn giản để vận động cơ thể với 5K. Hãy lắng nghe cơ thể, vận động nhẹ nhàng ở thời điểm này để tránh chấn thương trong giai đoạn giãn cách này nhé.

Khi việc ship đồ ăn cũng bị hạn chế thì bạn có thể tìm cảm hứng cho việc nấu ăn bằng cách thử nấu những món ăn mới hay thử nghiệm những kết hợp nguyên liệu theo cách khác thường ngày. Tập trung nấu hay sáng tạo, thử nghiệm một món ăn mới cũng là một cách thư giãn tâm trí ngon miệng. Hãy cảm thấy may mắn khi mình vẫn có đủ tài chính và sức khỏe để tự nấu cho mình những bữa ăn ngon miệng. 

3. Tâm: Nuôi dưỡng nội tâm và các mối quan hệ

Không thể đi ra ngoài cũng là một dịp để quay lại vào trong tâm mình, có thể có những cảm xúc lâu ngày sẽ trồi lên theo hướng tích cực hoặc không ~ trước tiên bạn có thể tập tiếp bài tập quan sát và biết vậy, chưa cần cố gắng thay đổi gì cả. Để hòa giải mối quan hệ với người thân khi ở cùng nhau nhiều, bạn có thể đọc bài viết Bài tập thở và lắng nghe để cha mẹ và con hiểu nhau hơn ~ bài này mình viết cho bố mẹ và con cái mà bạn có thể áp dụng với bạn cùng nhà, vợ chồng, người yêu…Trong bài viết này mình có hướng dẫn cụ thể hai bài tập: Quan sát hơi thở và lắng nghe bản thân và sau đó là bài tập lắng nghe chia sẻ của nhau để làm mới mối quan hệ

Kết nối lại với người thân với những trò chơi boardgame, gửi tin nhắn thoại hỏi thăm hay hẹn nói chuyện video với gia đình, họ hàng ở xa hay kết nối lại với bạn bè cũ cũng cho bạn những giây phút rất đáng mến ~ chúng ta đang cô đơn, cùng nhau. Thư giãn, trị liệu với nghệ thuật qua âm nhạc, nhảy múa, phim ảnh cũng là một cách “tập thể dục” cho cảm xúc và tâm trí được phiêu, bùng cháy hay thư giãn, thả trôi theo một câu chuyện có thực, viễn tưởng, phiêu lưu…qua phim tài liệu, phim truyện hay phim chuyển thể từ sách. 

Hoặc có những lúc, những ngày bạn có thể chỉ làm những thứ mình thích: ngủ nướng, chơi game, chat chit với bạn bè, nuông chiều cảm xúc và cơ thể mình một chút hoặc không làm gì cả ~ điện thoại cần sạc pin và con người cũng vậy. Bạn có thể có một cuốn sổ nhỏ khi lại những điều mình biết ơn mỗi ngày từ những điều nhỏ bé nhất như mình vẫn đang có thể thở, có thể ăn uống, buồn vui, có một mái nhà, có đồ ăn, có một hay vài người bạn tốt hay người thân. Hãy cùng lướt sóng với cơn bão Covid để nó không nhấn chìm mà đưa bạn đến với những trải nghiệm, cảm xúc mới, cũ hay bình yên hơn vì sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng. Một lần nữa, cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua cơn bão này.

*Đường dây nóng Ngày mai khi bạn cần một người để lắng và nghe mình: 096 306 1414, bạn hãy lưu số điện thoại này vào danh bạ và giúp Ngày mai lan toả thông tin tới những người cần hỗ trợ nhé. 

Viết bởi Sam – Hang Tran, hướng dẫn mindfulness, host radio “lắng và nghe”, giáo viên & hướng nghiệp. Một số radio & bài viết trong đợt giãn cách: Tạo thói quen buổi sáng khi ở nhà trong đợt Covid, sau hơn hai tháng

Tranh minh họa: Buddha Doodles – Molly Cules

Published by breathing playing

mindfulness & yoga, food & health, cultures & travels

Leave a comment